Trường PTDT Nội trú huyện Xín Mần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

Thứ ba - 12/01/2021 03:13
Để bảo tồn giá trị và phát triển văn hóa các dân tộc, trường đã thành lập Tổ thực hiện Đề án Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh, nhằm đưa văn hóa truyền thống vào hoạt động trong nhà trường; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên triển khai tới toàn thể CB,GV và học sinh với những nội dung cụ thể như: Tìm hiểu về các nét văn hóa truyền thống đặc sắc, lễ hội truyền thống; văn nghệ, trò chơi dân gian của các dân tộc Mông, Nùng, Tày, Dao, La Chí.

Trường PTDT Nội trú huyện Xín Mần có 300 học sinh, với 8 dân tộc đến từ 12 xã, 1 thị trấn. Trường có nhiệm vụ tuyển chọn, giảng dạy, giáo dục và nuôi dưỡng con em các dân tộc tạo nguồn cán bộ kế cận lâu dài cho địa phương. Nhận thức được nhiệm vụ, vai trò to lớn đó, trong những năm qua, ngoài việc chú trọng đến công tác giảng dạy, giáo dục học sinh, nhà trường còn chú trọng đến công tác bảo tồn giá trị và phát triển văn hóa truyền thống cho học sinh trong nhà trường và đạt được kết quả tích cực. 

Nghệ nhân truyền dạy múa khèn cho học sinh.
Nghệ nhân truyền dạy múa khèn cho học sinh.

Để bảo tồn giá trị và phát triển văn hóa các dân tộc, trường đã thành lập Tổ thực hiện Đề án Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh, nhằm đưa văn hóa truyền thống vào hoạt động trong nhà trường; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên triển khai tới toàn thể CB,GV và học sinh với những nội dung cụ thể như: Tìm hiểu về các nét văn hóa truyền thống đặc sắc, lễ hội truyền thống; văn nghệ, trò chơi dân gian của các dân tộc Mông, Nùng, Tày, Dao, La Chí. Tìm hiểu  nghề thêu truyền thống của dân tộc Nùng U và dân tộc  Mông; cách làm và sử dụng một số nhạc cụ, đạo cụ  như: Gậy đồng xu, khèn, sáo, ngựa giấy, qủa còn, quả  yến.... Tìm hiểu về các món ăn, cách làm các loại bánh truyền thống của các dân tộc huyện Xín Mần… 5 năm qua, nhà trường đã thực hiện được 9 lớp tập huấn cho gần 900 lượt học sinh học tập, tìm hiểu và biết về văn hóa các dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao, La chí; các trò chơi dân gian đẩy gậy, ném còn, đi cà kheo, đánh yến,… Các tiết mục văn nghệ: Múa gậy đồng xu, ngựa giấy, múa khèn, múa bát, múa trống La Chí, hát cọi, thổi sáo, múa trống lễ cấp sắc của dân tộc Dao đỏ….

Học thêu hoa văn truyền thống.
Học thêu hoa văn truyền thống.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhằm bảo tồn và phát triển nghề thêu truyền thống của dân tộc Mông, Nùng U, nhà trường đã mời nghệ nhân xã Nàn Ma và Nấm Dẩn truyền dạy nghề thêu truyền thống dân tộc cho học sinh tại trường; mời các nghệ nhân truyền dạy cho các em biết cách làm và sử dụng các nhạc cụ, đạo cụ... Thông qua các hoạt động đó đã giúp cho học sinh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa của dân tộc mình; hiểu nhau hơn, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt, học tập và rèn luyện. Bên cạnh đó còn khơi dậy lòng yêu quê hương, góp phần làm phong phú hơn bức tranh dân tộc đa sắc màu của trường TPDT Nội trú THCS huyện nói riêng, của huyện Xín Mần nói chung.

Học nghề mây tre đan truyền thống.
Học nghề mây tre đan truyền thống.

Đến nay đã có hơn 150 học sinh thực hành được kỹ năng thêu truyền thống của 2 dân tộc Mông và Nùng U và có thể sáng tạo ra các mẫu sản phẩm thêu truyền thống phục vụ khách du lịch; 65% học sinh trong trường biết cách làm và sử dụng một số nhạc cụ, đạo cụ truyền thống; 100% học sinh biết cách làm đạo cụ và sử dụng trong các trò chơi dân gian; 100% học sinh nữ được học các làm bánh trưng đen, bánh dày, xôi ngũ sắc; 100% học sinh nắm được nét cơ bản về văn hóa truyền thống các dân tộc trong huyện.

Học dệt vải.
Học dệt vải.

Đến thăm Trường PTDT Nội trú THCS huyện Xín Mần đúng vào dịp diễn ra các hoạt động truyền dạy, học tập kỹ năng sống và gìn giữ, bảo tồn giá trị và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc. Qua từng động tác tâm huyết, nhiệt tình truyền dạy của các nghệ nhân và những ánh mắt chăm chú, say sưa theo dõi của học sinh, cho thấy việc bảo tồn giá trị và phát triển văn hóa truyền thống trong nhà trường là một chủ trương đúng, phù hợp với thực tế tại một địa phương đa văn hóa, nhiều sắc màu như huyện Xín Mần. 

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây