BÀI ĐĂNG TRÊN BÁO HÀ GIANG
Không phải là thầy Sĩ “Da cam” đâu, mà phải gọi là thầy Sĩ “khoèo” mới đúng...”. Lời của đám học trò lớp 9A, trường PTDT Nội trú Xín Mần nói như vậy. Mấy bạn thủ thỉ: Kể từ ngày thầy Sĩ vào đây đã được 7 năm.
Lúc đầu về trường, mọi người gọi thầy Sĩ là “Sĩ Da cam”, bởi bản thân thầy là nạn nhân mang di chứng nhiễm độc da cam từ bố mình để lại sau 10 năm tham gia chiến trường miền Nam. Còn sau này, nhìn vào thầy Sĩ, nét đặc trưng, dễ nhận biết nhất là đôi tay khoèo bị dị tật từ lúc mới chào đời. Gần 7 năm công tác tại trường Nội trú Xín Mần, cái tên thầy Sĩ “khoèo” là thế. Đám học trò nhí còn bật mí với tôi “Thầy giáo chúng cháu khoèo là vậy, nhưng lắm tài, nhiều mẹo... hay lắm đấy chú ạ”.
Thú thực tôi cũng giật mình khi thấy thầy Sĩ lần đầu. Với vóc dáng tầm tầm, đi lại có đôi chút vướng mắc do đôi tay bị dị tật. Riêng có khuôn mặt “nét rắn” và đôi mắt sáng đầy nghị lực luôn thường trực. Cùng Sĩ vào lớp để được xem anh cầm bút, cầm phấn, viết bài, viết bảng, giảng về một cốt truyện đầy tính nhân văn trong môn Giáo dục công dân quen thuộc của thầy, để rồi... cảm nhận. Cảm nhận đầu tiên của tôi về bài giảng là sự hiểu sâu, biết rộng về kiến thức. Cảm nhận về sự rung động của con tim “vượt trên” tật nguyền, truyền cảm tới đám học trò thơ ngây, ví như trang giấy trắng được viết từng ngày qua mỗi bài thầy giảng. Ký ức chìm về xa xưa của thời cắp sách là hình ảnh thầy Ký cứ dội về. Còn trước mắt tôi là thầy Sĩ “khoèo” hiện thân của thầy Ký ngày xưa... Thầy Sĩ mang cái tên đầy đủ là Vũ Tiến Sĩ, sinh năm 1977 tại xã Yên Hưng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Bố anh là bộ đội tham gia chiến trường miền Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước. Mẹ là cô giáo dạy học trường làng. Sĩ là con thứ 3 trong gia đình và là người duy nhất mang dị tật từ lúc mới sinh ra. Theo lời kể của bố mẹ, hơn 10 năm lăn lộn ở chiến trường miền Nam, bố anh mới xuất ngũ sau giải phóng Sài Gòn 1975. Năm 1976-1977, ông chuyển về làm việc ở phòng Nông nghiệp huyện Yên Mô và sinh ra Sĩ. Thoáng chút buồn, Sĩ thủ thỉ: Khi lên 4-5 tuổi anh mới nhận ra mình là đứa trẻ không bình thường bởi đôi tay “khoèo”. Rồi càng lớn, sự mặc cảm bản thân cũng càng lớn. Sự rụt dè, tự ti, thậm chí “căm ghét bản thân” cứ dần biến anh thành “cái bóng” bên mẹ. Bố anh thì khác hẳn. Hình như tinh thần người lính Cụ Hồ và gian lao thử thách trận mạc đã gạt đi những ưu phiền trên, trong con người ông. Thế rồi ông động viên vợ, 2 chị lớn, động viên Sĩ, dỗ dành cho Sĩ đi học. Buổi theo mẹ tới trường đầu tiên vẫn in rõ cả gia đình Sĩ cùng đưa “cậu khoèo” tới trường. Những ánh mắt, cái nhìn từ xa lạ, đến thân thiện cứ nối dần, lớn dần sau mỗi buổi tới lớp. Sĩ bảo “mẹ là người chắp cánh, cha là người nuôi dưỡng, thầy, cô, bạn bè là nguồn động viên vô tận...”, không có thế, thì Sĩ đâu có ngày hôm nay, nhưng (Sĩ nói lại) khó nhất là bản thân mình. Từ đứa trẻ rụt rè, tự ti, Sĩ cứ lớn dần qua mỗi bài học. Khát vọng sống, ước mơ... cứ lớn dần theo năm tháng. Sĩ trở thành học sinh học từ khá đến giỏi. Năm 1998, Sĩ thi tốt nghiệp PTTH rồi thi vào trường Đại học KHXHNV Hà Nội, học khoa Triết. Tâm sự, Sĩ bảo: Triết là môn khoa học mang tính trìu tượng. Môn khoa học này đã đưa con người từ chỗ tưởng như hư vô đến hữu thực. Ví cũng như bản thân Sĩ vậy, Sĩ đã đi từ chỗ tự ti để vượt lên số phận tật nguyền. Và đúng như vậy, triết học và đời cậu Sĩ “khoèo” bằng da thịt ngay trước mắt tôi. Hiệu trưởng trường Nội trú Xín Mần Phạm Thị Xuân cho biết: Lúc đầu tiếp nhận thầy Sĩ về trường, tập thể thầy, cô nhà trường lo lắm, nhưng cũng... thương lắm. Lo là lo cái dáng vẻ không bình thường của thầy Sĩ và thương con người tật nguyền đã tự vượt lên bản thân, giờ đang muốn khẳng định mình trong cuộc sống. Hỏi Sĩ, tại sao thầy ra trường năm 2002, sau 4 năm học đại học lại không về quê? Sĩ thành thật: Em tật nguyền và cũng muốn thử sức ở vùng khó khăn xem mình “vượt được... bao nhiêu?”. Sau nữa cũng có chút may mắn. Ra trường, Sĩ được người bà con giới thiệu, đưa lên Xín Mần “nói khó” với các anh trong huyện tạo điều kiện cho Sĩ “khoèo”. Chẳng nói ra thì ai cũng biết, Xín Mần là huyện khó khăn nhất trong 11 huyện, thị của tỉnh. Từ những năm 2001 - 2002 trở về trước, cái khó lại “chồng lên” cái khó, và thế là Sĩ “khoèo” được tạo điều kiện để được đứng lớp. Từ học Triết, Sĩ chuyển sang dạy môn Giáo dục công dân lại đòi hỏi thêm một nỗ lực mớiđể đáp ứng yêu cầu. Nay đã gần 7 năm đứng lớp, trong đó có 6 năm liền được tập thể hội đồng nhà trường đánh giá các bài giảng của anh đạt chất lượng tốt. Năm học 2008 - 2009, Sĩ kiêm thêm giáo viên chủ nhiệm lớp 9A và gần 7 năm làm cán bộ phụ trách lao động nhà trường. Trong ngần ấy thời gian đứng lớp, Sĩ cũng đã đôi ba lần đi tăng cường cơ sở xã trong lúc thiếu giáo viên bộ môn. Đi lại về, rồi lại đi, “con chữ” cứ theo Sĩ chuyển tới các em học sinh vùng nghèo khó ngày một nhiều thêm, giàu lên trên quê hương miền Tây nắng gió. Vợ Sĩ, cô Hoàng Thị Thuý, dân tộc Tày, ở thôn Nậm Khương, xã Nà Chì, kém Sĩ 12 tuổi, vốn là học sinh của Sĩ trong những năm học tại trường Nội trú huyện đã nói: “Thú thực, tình yêu của chúng em “có lẽ” bắt đầu từ sự “kính trọng” anh ấy mà thành”. Chuyện về mối tình “cổ tích - đời thường” giữa thầy Sĩ và cô học sinh dân tộc của mình, cô Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Thuý là cô gái xinh đẹp, nhanh nhẹn, sống trong gia đình làm ruộng ở quê. Sau 3 năm học thầy Sĩ, Thuý ra trường Nội trú tỉnh học 3 năm nữa. Tốt nghiệp trường PTDT Nội trú tỉnh, Thuý thi học nghề sư phạm, hiện đang là sinh viên năm thứ 2 trường Sư phạm Mỹ thuật Hà Nội. Tháng 10.2007, Sĩ và Thuý cưới nhau đã làm cho cả trường PTDT Nội trú Xín Mần, cả huyện Xín Mần “vỡ òa”, vì... quá mừng vui. Chúng tôi cười, và thế là lại một lần nữa thầy Sĩ “khoèo” “phá kỷ lục” về sự “vượt lên” chính mình bằng nghị lực cuộc sống. Thuý tự tin: Nhữnggì chúng em đã đi, đã đến và có nhau hôm nay trước công lớn là sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền cơ sở, sự giúp đỡ của tập thể nhà trường, sự yêu mến của các em học sinh. Với tôi, trước nó phải là nghị lực để họ “vượt qua chính họ” sau đó mới đến chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước ta. Tạo điều kiện cho những người tàn tật hòa nhập với cộng đồng không chỉ là trách nhiệm, mà còn là lương tâm của mỗi người. Lương tâm đó là trái tim biết yêu thương, biết chia sẻ. Có một câu danh ngôn xin được viết “Đi từ trái tim - sẽ đến trái tim”. Còn đối với học sinh, thầy Sĩ “khoèo” hay Sĩ “da cam” mãi là tấm gương sáng để các em noi theo.
Nguyễn Mạnh Hùng ( BÁO HÀ GIANG)